Đến phiên giao dịch ngày 5/9, VN-Index không tiếp tục tăng mà giảm 11,9 điểm, xuống còn 546,66 điểm, với giá trị khớp lệnh 813,1 tỷ đồng cho thấy, thị trường đã thật sự bước vào cuộc đấu giá quyết liệt giữa những người mua và những người bán, mà chủ yếu là giữa các tổ chức đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Trong quá khứ, khi giá trị vốn hóa trên thị trường còn nhỏ, lượng cổ phiếu niêm yết chỉ khoảng vài chục, những hành vi mua bán của các tổ chức đầu tư lớn rất dễ nhận biết. Trong tình hình hiện nay, với hơn 150 công ty niêm yết trên HOSE thì việc nhận biết những động thái mua vào, bán ra của họ là khá khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nhận biết.

Diễn biến giao dịch trong những phiên vừa qua cho thấy, mức 500 – 550 điểm là một mức kháng cự khá mạnh. Hơn chục phiên với giá trị giao dịch trên dưới 1.000 tỷ đồng/phiên cũng cho thấy, tại mức ngưỡng này, lượng cổ phiếu bán ra không chỉ là những cổ phiếu tồn đọng trước đây (bán ra để giải tỏa thua lỗ), mà còn một khối lượng cổ phiếu của các tổ chức đầu tư lớn tham ra bán ra để thu lợi nhuận. Vì vậy, thị trường đã có những giao dịch khớp lệnh đột biến so với những phiên trước đó, tạo nên những phiên có tính thanh khoản cao. Lượng cổ phiếu trao tay rất lớn này đi cùng với sự xuất hiện của một lượng cầu tăng đột biến. Lượng cầu lớn cho thấy sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn, chứ lượng tiền của các NĐT cá nhân riêng lẻ chưa thể đổ vào một cách nhanh chóng như vậy.

Theo quy luật cung – cầu, nếu khối lượng giao dịch tăng tỷ lệ thuận với quá trình lên giá thì sự vượt ngưỡng là khá chắc chắn và xu thế lên giá sẽ hình thành. Với một khối lượng khớp lệnh cực lớn, liên tục kéo dài trong quá trình lên điểm vừa qua của VN-Index cho thấy, xu thế lên giá trên thị trường đã thiết lập. Nhưng trên thực tế, trong những phiên điều chỉnh xuống giá (bắt đầu từ ngày 27/8), người ta lại cảm thấy có một cái gì đó không bình thường trong các hành vi mua bán cổ phiếu.

Trước đây, trong thời điểm lên giá, ở một số cổ phiếu blue-chip như DPM, HPG, STB, PPC,VNM… thường có một khối lượng lớn được đặt mua ngay những phút giao dịch đầu phiên, tạo dây chuyền về mặt tâm lý cho các NĐT mua theo để kéo giá lên, ngay cả những phiên mà thông tin về tình hình kinh tế nói chung không tốt. Hiện nay, khi thị trường chạm mức ngưỡng nhất định thì những hành vi bán ra cổ phiếu cũng có những biểu hiện không bình thường như vậy. Tại một số cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn, thường tác động đến VN-Index, một lượng bán ra lớn ngay từ đầu phiên tạo phản ứng dây chuyền kéo theo các NĐT bán ra, cố tình kéo giá xuống. Trong quá khứ, việc đấu giá tại các ngưỡng kháng cự, hỗ trợ có thể chỉ là của một vài tổ chức. Nhưng hiện nay, số lượng các tổ chức tham gia vào các cuộc đấu giá như vậy là khá lớn. Một cuộc đấu giá giữa bên mua bên bán tạo xu thế mới khá quyết liệt và diễn ra không chỉ giữa các phiên, mà ngay trong một phiên cũng đã thể hiện điều đó. Phiên giao dịch ngày 4/9 thể hiện khá rõ sự giằng co này. Cuộc đấu giá càng quyết liệt bao nhiêu thì khối lượng khớp lệnh càng lớn bấy nhiêu.

Vì sao trên thị trường thường có những cuộc đấu giá như vậy? Có thể lý giải như sau: Một số tổ chức đầu tư sau khi mua vào cổ phiếu từ mức VN-Index 366 điểm, đến 500 điểm họ đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng nhất định (có thể 30 – 40%) và họ bán ra cổ phiếu, bởi họ cho là thị trường khó thể vượt qua ngưỡng này do tình hình kinh tế nói chung chưa thực sự khả quan và do lượng cầu chưa đủ mạnh để bứt phá ngưỡng. Nhưng những phiên tăng điểm liên tục sẽ là một cái đà cho một đợt rớt giá, có thể tạo xoay chiều đổi hướng xu thế. Chính vì vậy, sau khi giải tỏa một khối lượng cổ phiếu ở mức giá cao, lúc VN-Index 540 – 560 điểm, số cổ phiếu còn lại họ sẽ bán theo phương cách làm sao cho thị trường rớt điểm càng sâu càng tốt. Đây sẽ là cơ hội cho những NĐT lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường. Với một thị trường lên xuống thất thường như TTCK Việt Nam, cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế và doanh nghiệp, nhiều tổ chức đầu tư cho rằng, họ không thể chỉ đầu tư dài hạn, mà cần phải có những cuộc lướt sóng để tìm kiếm lợi nhuận cho quỹ và tổ chức đầu tư.

Tuy nhiên, một số tổ chức khác lại cho rằng, nếu thị trường vượt qua mức ngưỡng 500 – 540 điểm thì xu thế mới, xu thế lên giá sẽ được thiết lập vững chắc, nên họ bắt đầu đổ tiền mua vào. Và thực tế, khi thị trường vượt qua mức ngưỡng này, không chỉ các NĐT cá nhân, mà hàng loạt các tổ chức bắt đầu vào cuộc, mua vào cổ phiếu. Một lượng tiền khổng lồ đã được đổ vào thị trường, gây sự ngạc nhiên không ít cho giới phân tích. Nhiều người cho rằng, có thể đó là của các NĐT cá nhân, nhưng trên thực tế, lượng tài khoản mở thêm tại các CTCK là không nhiều và sự e dè sau đợt thua lỗ những tháng đầu năm 2008 vẫn là tâm lý chung trên thị trường. Trong khi đó, các tổ chức khi đã mua vào tại mức ngưỡng này thì không có lý do gì họ lại muốn để cho thị trường rớt trở lại một lần nữa. Vì vậy, bằng mọi cách họ sẽ phải mua cho hết để thị trường vượt ngưỡng và tiếp tục lên giá.

Việc nhìn nhận, đánh giá ngược chiều giữa các tổ chức đầu tư lớn tại mức ngưỡng này đã tạo nên một cuộc đấu giá khá quyết liệt. Việc mua vào, bán ra của họ thể hiện tính chuyên nghiệp từ việc chọn thời điểm, lựa thông tin, mua bán thế nào để tạo phản ứng dây chuyền tâm lý… TTCK Việt Nam thực sự trở đã thành sân chơi của giới đầu tư chuyên nghiệp. Nếu nhìn ở góc độ luật pháp, một số hành động mua bán cổ phiếu đó có thể coi là hành vi thao túng thị trường.

Cho đến nay, cuộc đấu giá nói trên vẫn chưa phân thắng bại. Một khối lượng cổ phiếu trao tay khổng lồ giữa bên mua và bên bán đã diễn ra. Chỉ cần bên bán kéo được những phiên đi xuống nhiều hơn là có thể thay đổi được quy luật mua bán, thị trường sẽ đổi chiều xu thế. Chỉ cần bên mua làm cho VN-Index dừng lại, đẩy cổ phiếu lên giá là có thế giữ được xu thế hiện tại. Sự thắng bại của cuộc đấu giá này không chỉ là tính chuyên nghiệp, mà còn ở tiềm lực về tiền bạc, về cổ phiếu của mỗi bên mạnh đến đâu. Các NĐT hãy chờ xem.

Sau 16 năm (từ năm 1992) thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TPHCM, có thể thấy rằng CPH đã mang lại cho doanh nghiệp cơ chế quản lý năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc sử dụng những tài sản là đất, nhà, xưởng của nhà nước hậu CPH như thế nào, có đúng mục đích đã đăng ký doanh và nhà nước lợi hay thiệt?

Đất thuê đem… cho thuê lại

Qua công tác kiểm tra của UBND TPHCM về tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp sau CPH đến cuối năm 2007 cho thấy, có 34 doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, mang cho thuê lại với tổng diện tích gần 11 ha. Hầu hết những doanh nghiệp này, khi xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp CPH, đều chọn hình thức thuê đất, vì đơn giá thuê thấp.

Điều đáng nói là khoản tiền chênh lệch khi thuê theo giá của nhà nước rồi mang cho thuê lại không rõ hạch toán vào đâu? Trong 263 doanh nghiệp nhà nước đã CPH chỉ có 3 doanh nghiệp đề nghị tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để CPH.

Chưa hết, các doanh nghiệp CPH, trước khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì giá trị quyền sử dụng đất không được xác định để đưa vào giá trị của doanh nghiệp hoặc tiền thuê đất chưa được tính theo giá thị trường. Thế nhưng khi liên doanh, liên kết thì giá trị quyền sử dụng đất lúc này lại được tính theo giá thị trường!

Lý do để một số công ty cổ phần, mang nhà xưởng cho thuê lại là vì theo Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có toàn quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình (trong đó có nhà xưởng). Thế nhưng, theo UBND TP, hợp đồng thuê đất của nhà xưởng này đã quy định “không được phép cho thuê lại”.

Đó là chưa kể chủ trương của TP về vấn đề này “nhà xưởng đã giao cho công ty cổ phần, nghiêm cấm cho thuê lại”. Ngay từ năm 1998, khi thực hiện mở rộng việc CPH các doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP của Chính phủ, UBND TP đã có chủ trương kiểm tra mục đích sử dụng nhà xưởng của các doanh nghiệp nhà nước theo 3 yêu cầu: không cho thuê, không bỏ trống và phải sử dụng đúng mục đích kinh doanh đã đăng ký. Các nhà xưởng nào không đảm bảo 3 yêu cầu này thì thu hồi.

Như vậy, từ khá lâu TP đã có chủ trương chống thất thoát lãng phí trong việc sử dụng đất của các doanh nghiệp hậu CPH. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào vi phạm 1 trong 3 yêu cầu trên bị thu hồi(?).

Vốn nhà nước và người lao động “teo” dần 

Theo đánh giá của UBND TP, vai trò đại diện trực tiếp chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cổ phần của HĐQT các tổng công ty và các công ty hoạt động theo mô hình “mẹ – con” chưa thực sự thể hiện và phát huy đầy đủ như quy định của UBND TP.

Cụ thể là không chấp hành quy định về báo cáo, xin ý kiến UBND TP về việc mua hoặc bán cổ phần Nhà nước. Rồi cũng không xin ý kiến xử lý đối với trường hợp không thực hiện quyền mua cổ phần được phân phối cho cổ đông nhà nước, dẫn đến giảm tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tại công ty cổ phần.

Song song đó là không báo cáo định kỳ tình hình tăng giảm vốn nhà nước tại các công ty cổ phần theo quy định. Trong quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp CPH, chưa xác định được cơ quan nào là đầu mối tổng hợp và giải quyết những vướng mắc.

Qua kiểm tra của UBND TP cho thấy, sau CPH cơ cấu vốn nhà nước giảm 3%, vốn cán bộ công nhân viên giảm 8,32%. Trong khi đó, vốn của các cổ đông ngoài doanh nghiệp tăng 11,32%. Điển hình như vốn của CBCNV Công ty CP Bông Bạch Tuyết chỉ còn 1,4% (ban đầu 57%); Công ty CP Tie chỉ còn 0,93% (ban đầu là 21%).

Đặc biệt, cổ phần của cán bộ công nhân viên Công ty CP Cơ khí điện Lữ Gia, ban đầu là 23,36%, nay chỉ còn 0,03%. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp sau CPH có tỷ lệ cơ cấu vốn của người lao động trong doanh nghiệp nhỏ hơn 1%, hiện nay chiếm 1,36%.

Vốn nhà nước giảm tốc độ nhanh nhất là khi các công ty cổ phần có phương án bán cho nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá công khai ra bên ngoài. Trong khi đó, vai trò đại diện vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, tổng công ty, công ty nhà nước chưa thực sự thể hiện và phát huy đầy đủ vai trò và chức năng quản lý phần vốn nhà nước.

Thậm chí, một số trường hợp, người đại diện phần vốn nhà nước không xin ý kiến UBND TP khi mua, bán cổ phần nhà nước đồng thời cũng không thực hiện quyền mua cổ phần được phân phối cho cổ đông nhà nước.

Trước thực trạng trên, UBND TP đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, khi tiến hành CPH doanh nghiệp: không tính giá trị lợi thế vị trí sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp mà chỉ cần điều chỉnh giá cho thuê đất sát với giá thị trường, áp dụng cho mọi thành phần kinh tế, có thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

Chính phủ chỉ đạo thống nhất chọn hình thức giao đất (chứ không cho thuê) và việc xác định giá trị quyền sử dụng đất phải tính theo giá thị trường chứ không tính theo khung giá do UBND TP ban hành hàng năm, tránh thất thu ngân sách.

Song song đó, cần ban hành quy định để chế tài thật nghiêm đối với thủ trưởng các đơn vị không ký hợp đồng thuê đất khi hết hạn, không thực hiện việc kê khai đất theo chủ trương… Ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp xử lý cụ thể đối với các đơn vị đã CPH nhưng sử dụng đất không đúng mục đích được giao, không phục vụ nhiệm vụ chính của đơn vị gây thất thoát, lãng phí. Sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hậu CPH phân định trách nhiệm, quyền lợi của người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần…


Cuộc đấu giá giữa các tổ chức: Bên nào thắng thế?
Call Now Button