Câu chuyện nổi cộm trên TTCK những ngày qua là việc Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex – VCG) bị yêu cầu nộp lại ngay trong tháng 8/2009 khoản thặng dư bán cổ phần lần đầu (IPO) lên đến 810,7 tỷ đồng cùng một số khoản tiền khác trong thời điểm thực hiện cổ phần hóa.

Vấn đề là VCG đã dùng khoản tiền trên đầu tư vào các dự án và việc thu hồi ngay lập tức trong tháng 8 là bất khả thi. Có phải VCG tự ý sử dụng khoản tiền thặng dư trong khi chưa biết rõ ràng có được sử dụng hay không? Vì sao cùng IPO và thu được những khoản thặng dư lớn, nhưng có DN nộp lại nhiều, có DN nộp lại toàn bộ và có DN không phải nộp lại khoản này?


Thặng dư cao


Nhìn lại quá trình đổi mới DNNN, có thể thấy năm 2007 là năm rất thành công khi có nhiều DN thuộc hàng “đại gia” IPO và thu được thặng dư cao. Một trong số đó phải kể đến Vietcombank (VCB). Thực hiện IPO bằng cách phát hành thêm 30% cổ phần, VCB sẽ được giữ lại 30% thặng dư và phương án đã được Chính phủ chấp thuận. Do những khó khăn từ thị trường, VCB chỉ phát hành thêm được 9,28% cổ phần và theo quy định, Ngân hàng đã giữ lại 9,28% trong khoản thặng dư khổng lồ hơn 10.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới, VCB đã có công văn xin Chính phủ cho giữ lại 30% thặng dư để đầu tư cho những dự án trọng điểm của quốc gia như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã có Quyết định số 938/QĐ-TTg không đồng ý cho VCB góp 29% vốn điều lệ vào VIDIFI (đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng). Như vậy, có thể ngầm hiểu kiến nghị xin giữ lại 30% thặng dư của VCB không được Chính phủ chấp thuận.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Ủy viên HĐQT VCB cho biết, thặng dư từ IPO của Ngân hàng được để lại theo đúng quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Cụ thể, VCB bán 9,28% vốn điều lệ thì được để lại 9,28% thặng dư bán ra, tương ứng gần 1.000 tỷ đồng trong tổng số gần 10.000 tỷ đồng thặng dư thu được.

Vào tháng 10/2007, Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) thực hiện cổ phần hóa bằng cách IPO và thu được thặng dư vốn từ đợt phát hành khoảng 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số này thuộc về PVFC do DN này phát hành thêm với tỷ lệ nhỏ. Nhưng vì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị chủ quản phần vốn nhà nước của DN này, nên PVFC đã xin “mẹ” cho để lại toàn bộ khoản thặng dư, với lãi suất ưu đãi để bổ sung vốn kinh doanh.

Ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc PVFC cho rằng, không nên chỉ để lại một phần thặng dư vốn cho DN khi IPO, vì như vậy sẽ làm giảm nguồn lực của DN, gây thiệt thòi cho những cổ đông khi đấu giá với giá cao, bởi thực chất thì đó cũng là tài sản của cổ đông.

Hồi cuối năm 2008, khi thực hiện IPO, đại diện Vietinbank cho biết sẽ xin giữ lại phần thặng dư để đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia. Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, hiện Chính phủ có nhiều phương án xử lý phần vốn thặng dư thu được khi IPO ngân hàng này. Một trong nhiều phương án là để lại tăng vốn cho Ngân hàng (tăng tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước) như một cách xử riêng đối với 4 NHTM nhà nước thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này Vietinbank vẫn chưa nhận được phản hồi về vấn đề trên. Ông Hùng cho biết, hiện Ngân hàng đã hạch toán riêng phần thặng dư vốn phát hành. Nếu Chính phủ không đồng ý để lại tăng vốn cho Ngân hàng thì Vietinbank sẽ chuyển toàn bộ khoản thặng dư về SCIC.

Để đảm bảo thành công cho mỗi đợt IPO, lãnh đạo các DN trước đây đã vận dụng nhiều cách, trong đó có việc xin cơ chế riêng được sử dụng phần thặng dư vốn sau khi phát hành. Tuy nhiên, không ít NĐT đã thất vọng vì có xin nhưng không được cho. Tới đây, một loạt DN lớn sẽ tiếp tục IPO như Mobifone, BIDV, Vinaphone… Nhiều chuyên gia cho rằng, các đợt đấu giá sẽ khó thành công nếu trước mỗi đợt IPO, việc xử lý khoản thặng dư vốn không được công bố minh bạch, rõ ràng.

Quy định không còn phù hợp?

Theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP, có 3 phương thức cổ phần hóa DNNN. Một là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại DN, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Hai là bán một phần vốn nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Ba là bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại DN hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cho dù thực hiện cổ phần hóa theo cách nào thì DN cũng chỉ được giữ lại phần thặng dư vốn đối với phần phát hành thêm trong cơ cấu vốn điều lệ. Số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước còn lại (bao gồm cả chênh lệch giá bán cổ phần) sau khi trừ các khoản chi theo quy định đều phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN của tập đoàn, tổng công ty, trong trường hợp cổ phần hóa DN thành viên.

Khoản chênh lệch trên phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN tại SCIC trong trường hợp cổ phần hóa toàn bộ công ty nhà nước độc lập; tổng công ty nhà nước; toàn bộ tập đoàn, công ty mẹ được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con và công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, có DN được giữ lại toàn bộ thặng dư, có DN không được giữ lại hoặc giữ lại một phần tùy thuộc vào cách thức họ thực hiện IPO. Một số DN bán bớtphần vốn nhà nước nhưng vẫn nhận lại thặng dư là do họ vay lại từ công ty mẹ chứ không phải là số tiền họ được sở hữu.

Việc hều hết các DN đều có văn bản xin được giữ lại phần thặng dư vốn khi IPO cho thấy nhiều vấn đề. Trước hết là nhu cầu vốn của các DN rất lớn, thứ hai đây cũng là đòi hỏi chính đáng khi phần thặng dư tăng thêm là do chính các cổ đông mang lại, nên nó phải được để lại cho DN làm ăn. Khi nguồn vốn này phát huy hiệu quả thì chính cổ đông nhà nước cũng được hưởng lợi trên số cổ phần nắm giữ. Một quy định đã ban hành, nhưng nhiều DN có tính chất đại diện trong nhiều ngành có văn bản xin thay đổi thì cũng nên xem xét lại tính phù hợp của quy định đó.

Về vấn đề này, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, để tránh tình trạng xin – cho, cần có quy định rõ ràng, nhất quán việc sử dụng phần thặng dư vốn. Do việc tách bạch mệnh giá và thặng dư cổ phần mà không thống nhất rằng đó đều là giá trị phát hành của DN, dẫn đến cách hiểu, hành xử không đúng và tạo ra những tiền lệ không hợp lý.

Theo bản công bố thông tin bất thường của VCG về khoản thặng dư hơn 810 tỷ đồng, Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa DN này đồng ý giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để thu hút vốn của các NĐT trong và ngoài nước. Phần vốn tăng thêm do đấu giá cổ phần của VCG được để lại nhằm tăng vốn nhà nước tại VCG. Cách giải thích của VCG như trên cho thấy, việc sử dụng nguồn vốn thặng dư không phải DN này tự ý làm.

Đông Hải


Rắc rối thặng dư vốn đấu giá cổ phần
Call Now Button