Sàn niêm yết dù đang trong giai đoạn điều chỉnh, nhưng xu hướng tăng trong dài hạn vẫn được khẳng định, là động lực khiến nhiều DNNN tăng tốc quá trình cổ phần hóa. Tổng công ty Sông Hồng, Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Phân lân nung chảy Văn Điển đều thực hiện IPO trong tháng 11. Giá khởi điểm khá thấp so với tiềm năng phát triển của DN và so với mặt bằng giá cổ phiếu cùng ngành trên sàn, là lý do cả NĐT cá nhân và tổ chức đều tham gia đấu giá…

Sau Vinaconex, Sông Hồng (SHC) là DNNN lớn thứ hai của Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa. Có quyết định cổ phần hóa từ năm 2006, nhưng mãi tới cuối 2007, đầu 2008, DN này mới hoàn tất quá trình định giá. Tuy nhiên, do TTCK năm 2008 tuột dốc quá mạnh khiến cho đợt IPO của SHC tạm ngưng lại đến nay. Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, giá khởi điểm IPO của  SHC là 14.000 đồng/CP. SHC dành bán ưu đãi cho người lao động 565.400 cổ phần, chiếm 1,88% vốn điều lệ; bán cho NĐT chiến lược 7,35 triệu cổ phần, chiếm 24,5% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 6,7846 triệu cổ phần, chiếm 22,62% vốn điều lệ.

Có ngành nghề cốt lõi là xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng, song trong 2 năm trở lại đây SHC đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang lĩnh vực BĐS. Đây cũng là mảng hoạt động được NĐT quan tâm nhất khi tìm hiểu về DN này. Năm 2009 là năm SHC đồng loạt triển khai một số dự án lớn như: Nhà ở I1, I2, I3 và văn phòng cho thuê Thành Công 2 – Thái Hà, Khu đô thị Tây Nam, Việt Trì 71 héc-ta, Khu đô thị Nhơn Trạch – Đồng Nai (77 héc-ta)…

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giá trị sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng của SHC dự kiến đạt 1.695 tỷ đồng trong năm 2009, tăng 126% so với năm 2008. Trong mảng hoạt động này, SHC được chú ý nhất về sản phẩm thép xây dựng với sản lượng năm 2009 ước đạt khoảng 95.000 tấn (năm 2008 mới sản xuất thử 4.000 tấn thép).

Đề cập đến sự quan tâm của NĐT tổ chức đối với cổ phiếu này, ông Nguyễn Quang Mẫn, Chủ tịch HĐQT  SHC cho biết, có 4 tổ chức đăng ký tham gia mua cổ phần để trở thành NĐT chiến lược của SHC với lượng cổ phần chiếm 24,5% vốn điều lệ gồm  Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí, CTCP T&N (Đà Nẵng), Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) và Ngân hàng Quân đội. Sau khi xem xét, đã có 3 đơn vị chính thức đưa vào danh sách với tỷ lệ mua tối đa mức cho phép.

Tương tự SHC, cổ phiếu của một số DNNN khác cũng được giới đầu tư quan tâm. Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao có vốn điều lệ 432,4 tỷ đồng, bán đấu giá 2 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.000 đồng/CP. Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, bán đấu giá 6,95 triệu cổ phần, giá khởi điểm 13.500 đồng/CP. Theo thông tin sơ bộ, số lượng cổ phiếu đăng ký mua tại DN này lên tới hơn 43 triệu cổ phần, gấp 6,11 lần lượng chào bán, trong đó có tới 30 tổ chức tham gia.


Hấp dẫn nhờ giá khởi điểm thấp


Tại sao các NĐT tổ chức lại hào hứng tham gia mua cổ phần SHC? Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc DATC cho hay, công ty này đánh giá cao tiềm năng phát triển trong tương lai của SHC, đặc biệt trong mảng phát triển thị trường BĐS. Với tỷ trọng vốn dành cho đầu tư khá lớn, DATC tìm đến những địa chỉ tiềm năng để tham gia, nhất là khi các công ty con của DATC có quỹ đất có thể hợp tác với các DN khác để phát triển, tối ưu hóa lợi thế.

Nếu tính theo các yếu tố như lợi nhuận năm 2009 dự kiến của SHC là xấp xỉ 50 tỷ đồng, trên vốn điều lệ là 300 tỷ đồng thì không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, các dự án BĐS có thể đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn ngay trong năm 2010 thì SHC là cổ phiếu tiềm năng. Ông Mẫn cũng tin tưởng, sau cổ phần hóa, SHC sẽ có bước tiến dài về hoạt động, khi ban lãnh đạo DN chịu áp lực mạnh mẽ hơn từ cổ đông về hiệu quả hoạt động. Tương tự, Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao; Phân lân nung chảy Văn Điển đều là 2 DN đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất phân bón. Hiệu quả hoạt động của những DN này so với các công ty cùng ngành nghề trên sàn niêm yết như DPM, TSC… không hề thua kém, thậm chí còn được đánh giá cao hơn, trong khi đó giá khởi điểm IPO được đưa ra thấp chỉ bằng 1/4; 1/5.

Bên cạnh giá khởi điểm hợp lý, một yếu tố nữa hấp dẫn NĐT là những DN cổ phần hóa đợt này đều có lộ trình niêm yết khá rõ ràng. Sau IPO và chuyển đổi mô hình hoạt động, SHC sẽ đẩy nhanh thủ tục lên sàn, thời gian có thể sau 1 năm. Phân lân nung chảy Văn Điển dự kiến niêm yết cổ phiếu trong năm 2010.

Anh Việt


Đấu giá cổ phần sẽ “nóng” trở lại!
Call Now Button