Trong số hơn 15,698 triệu cổ phần mang ra đấu giá hồi cuối tháng 9 vừa qua, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam đã bán được 12,658 cổ phần, với giá bình quân 10.502 đồng/CP. Mặc dù không bán hết, nhưng phiên đấu giá này vẫn được đánh giá là khá thành công, cả về giá và khối lượng.

Tình cảnh èo uột trên thị trường niêm yết và cả thị trường OTC khiến NĐT dè dặt đi đấu giá, nhiều phiên đấu giá thiếu vắng người mua.

Thông qua Sở GDCK Hà Nội (HNX), Công ty Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên vừa thực hiện đấu giá 1,335 triệu cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 118.700 cổ phần được mua, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP. Tại Sở GDCK TP. HCM, Công ty Dịch vụ kỹ thuật An Giang chào bán 1,801 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ bán thành công 150.900 cổ phiếu, với giá bình quân 10.100 đồng/CP. Nhiều trường hợp bán đấu giá không thành công, do khối lượng đặt mua quá ít.

Nhìn lại những phiên đấu giá được xem là thành công trên thị trường vừa qua có thể thấy chủ yếu là những đơn vị có kết quả kinh doanh tốt và giá bán không quá cao. Có thể kể ra một số trường hợp như Tổng CTCP Tổng hợp dịch vụ dầu khí, Công ty Xây lắp Thừa Thiên – Huế, Công ty Dịch vụ Du lịch Vũng Tàu…, giá khởi điểm chỉ bằng mệnh giá hoặc cao hơn không đáng kể. Một số cuộc đấu giá thành công thuộc về những doanh nghiệp tài chính, được bán với giá thấp hoặc các doanh nghiệp đã niêm yết thực hiện bán bớt cổ phần nhà nước.

Tình hình TTCK ảm đạm khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong việc lựa chọn thời điểm phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Mới đây, trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Minh Hồng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) nói rằng, sẽ chọn thời điểm thích hợp, TTCK tương đối tốt mới thực hiện IPO. PVGas dự kiến bán đấu giá 95 triệu cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 31.000 đồng/CP. Tổng công ty này đã chuẩn bị khá kỹ càng cho đợt IPO khi tổ chức tiếp xúc, công bố thông tin đến NĐT. Vậy nhưng, khả năng thành công của đợt đấu giá này vẫn đang là dấu hỏi. Không chỉ do thị trường đang thiếu tích cực, khối lượng cổ phần đấu giá lớn, mà điều quan trọng là giá bán.

Trong khi dòng tiền vào thị trường khá yếu ớt thì mức giá 31.000 đồng/CP mà PV Gas đưa ra được cho là chưa hấp dẫn. Theo các chuyên gia phân tích, giá bán này tương ứng với chỉ số P/E dự kiến của năm 2010 là 17,4. Trong khi đó, trên thị trường niêm yết có nhiều blue-chip với P/E dưới 10 và hoạt động kinh doanh tốt, thanh khoản cao.

Ngày 9/11, HNX sẽ đưa ra đấu giá 8,807 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), với giá khởi điểm 10.900 đồng/CP. Vinaincon có vốn điều lệ 550 tỷ đồng, hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa các công trình dân dụng, công nghiệp; đầu tư và kinh doanh bất động sản, khu công nghiệp, khi đô thị. Số lượng bán đấu giá công khai là 8,807 triệu cổ phần, bằng 16,01% vốn điều lệ. Mặc dù giá thấp, nhưng việc đấu giá với số lượng hạn chế, theo nhiều ý kiến, khó kỳ vọng sự thay đổi quản trị tại doanh nghiệp làm giảm sức hấp dẫn với NĐT. Bên cạnh đó, giá nhiều cổ phiếu ngành bất động sản và xây dựng trên 2 sàn niêm yết đang ở mức khá thấp là một trở ngại cho đợt bán đấu giá của Vinaincon.

Một đợt bán đấu giá khác là của CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc (PVG). Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 226,17 tỷ đồng, đã thực hiện niêm yết tại HNX, sẽ bán đấu giá 7.322.150 cổ phiếu vào ngày 2/11. Giá cổ phiếu PVG trên sàn hiện dao động quanh mức 17.000 đồng/CP. Với mức giá khởi điểm đấu giá là 14.000 đồng/CP, nếu giá cổ phiếu PVG trên sàn từ nay đến cuối tháng 10 có xu hướng giảm thì khả năng thành công của đợt đấu giá là khá thấp. Bởi lẽ, NĐT có thể mua cổ phiếu PVG trên sàn với giá đắt hơn không nhiều, trong khi đó không bị chôn vốn do cổ phiếu chậm về tài khoản.

Nhìn chung, tình hình đấu giá từ đầu năm đến nay khá ảm đạm. Theo số liệu tổng kết từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tính từ đầu năm đến ngày 5/10, tổng giá trị cổ phiếu thực hiện đấu giá thành công chỉ đạt 2.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do TTCK ảm đạm, xu hướng thị trường chưa xác lập khiến chỉ số chứng khoán không ổn định và có chiều hướng đi xuống. Mặt khác, việc các doanh nghiệp niêm yết liên tục thực hiện phát hành thêm đã hút một lượng tiền khổng lồ từ thị trường, tính đến ngày 5/10 là hơn 36.167 tỷ đồng.

Áp lực phát hành trong những tháng cuối năm dự kiến còn rất lớn. Điều này không chỉ tác động đến chỉ số chứng khoán, mà còn ảnh hưởng đến những đợt đấu giá cổ phần đã được lên kế hoạch. Nếu mức giá khởi điểm không thực sự hấp dẫn thì việc không thành công trong đấu giá là điều có thể nhìn thấy trước.


Đấu giá cổ phần, hệ quả có thể nhìn thấy trước
Call Now Button